CỬU ĐẠI KIẾM PHÁI
Ở phía tây bắc của tỉnh Hồ Bắc có Võ Đang sơn là nơi quần tụ của 72 ngọn núi có hình dạng giống như những cái đỉnh, cái chuông úp ngược.
Theo Đạo giáo thì ngọn núi này là nơi Bắc Cực Chân Vũ Huyền Thiên Thượng Đế cai trị nên được giữ gìn như một thánh địa. Do đó từ xa xưa, các đạo sĩ đã qui tụ về đây để tìm niềm vui thích trong tu hành và không biết từ khi nào người ta bắt đầu gọi họ là Võ Đang phái. Có lẽ là từ khi Đại tông sư Trương Tam Phong xuất hiện trên giang hồ.
Tương truyền rằng Trương Tam Phong vốn là tăng lữ xuất thân từ Thiếu Lâm Tự. Bị trục xuất khỏi Thiếu Lâm Tự, ông đã chuyển sang nghiên cứu Đạo giáo và tu hành trong một thời gian dài. Sau khi đắc đạo, ông đi chu du khắp thiên hạ. Khi đến phía tây bắc tỉnh Hồ Bắc, ông nhìn thấy ba ngọn núi hùng vĩ cao ngất trời. Nhận thấy đây là nơi có thể tu chứng được nên ông dừng chân, thu nhận đệ tử và gây dựng nên phái Võ Đang. Vì ba ngọn núi có nghĩa là Tam Phong nên ông đã đổi tên thành Trương Tam Phong.
Ông sống đến hơn trăm tuổi và được võ lâm tôn là kiếm thần, có nghĩa là thần tiên của kiếm. Quả thực võ công của ông đáng được gọi là Đại tông sư, đặc biệt ông tinh thông và am hiểu sâu sắc về kiếm thuật. Người trên giang hồ truyền tụng rằng đã có lần Trương Tam Phong hạ gục hàng trăm tên đạo tặc hung hãn chỉ bằng chuôi kiếm.
Võ công siêu tuyệt của Trương Tam Phong làm cho Nội gia quyền và kiếm thuật của Võ Đang uy trấn giang hồ. Mặt khác, vì rất nổi tiếng trong nhân gian nên Trương Tam Phong cũng được triều đình đặc biệt trọng thị. Vị hoàng đế thứ ba đầu đời nhà Minh là Vĩnh Lạc hoàng đế đã mời Trương Tam Phong về làm quốc sự để vua dễ nắm bắt lòng dân. Tuy nhiên lúc đó Trương Tam Phong đã truyền chức Chưởng môn nhân của Võ Đang cho đệ tử của mình và xuống núi đi chu du thiên hạ. Mặc dù hoàng đế đã cho bố cáo khắp thiên hạ nhưng ông vẫn không đáp lại lời bố cáo đó.
Một mặt Vĩnh Lạc hoàng đế phái người đi tìm, mặt khác ông cho xây dựng đạo quán lớn trên núi Võ Đang để lấy lòng Trương Tam Phong.
Năm Vĩnh Lạc thứ 11 (tức năm 1413), vua ra chỉ dụ cho Công bộ thị lang Quách Đinh bắt đầu xây đạo quán ở núi Võ Đang. Việc xây dựng kéo dài trong 5 năm, huy động khoảng 30 vạn nhân công và kết thúc bằng việc dựng lên 33 toà nhà với hơn hai vạn phòng nằm trong khu vực rộng 528 vạn mét vuông.
Tuy nhiên, Trương Tam Phong vẫn không xuất hiện. Có thuyết cho rằng ông đã trở thành thần tiên và bay lên trời rồi. Cuối cùng Vĩnh Lạc hoàng đế cũng đành phải từ bỏ việc tìm kiếm Trương Tam Phong.
Nhiều năm sau, Anh Tông hoàng đế sắc phong cho ông là Thông Vi Hiển Hoá Chân Nhân. Sau đó, Hiến Tông hoàng đế sắc phong cho ông là Thao Quang Thượng Chí Chân Tiên. Đến đời Thế Tông hoàng đế, ông lại được sắc phong là Thanh Hư Nguyên Diệu Chân Nhân. Trương Tam Phong được người trong thiên hạ tôn sùng như thần tiên vậy.
Nằm giữa kỳ nham quái thạch giống như sương mù bao phủ 72 ngọn núi Võ Đang, vô số những toà kiến trúc cao vượt lên trên quấn quanh núi Võ Đang như một con rồng.
Một buổi sáng sớm, đột nhiên có một đạo sĩ từ nơi xa xôi đến thăm Chưởng môn chân nhân đang sống trong nơi sâu nhất, một trong hai ngàn phòng Tử Thiếu Cung nằm ở phần cổ của con rồng. Từ hôm đó, các đệ tử nhận lệnh đặc biệt của Chưởng môn chân nhân đã được phái đến 72 ngọn núi của Võ Đang sơn. Trong mười năm gần đây, Chân Nhân Tổng Hội bao gồm các chân nhân trông nom 33 quán, năm cung của Võ Đang phái vẫn thường mở hội nghị để đưa ra quyết định quan trọng liên quan đến vận mệnh của Võ Đang.
Chỉ liên lạc thôi cũng đã mất một ngày rồi. Sau ba ngày phái đệ tử đi, mọi việc tại Tử Thiếu Cung đã được chuẩn bị sẵn sàng. Bốn mươi chín chân nhân có thể gọi là đầu não của Võ Đang đã tập trung ở Kim điện, toà nhà lớn nhất trong Tử Thiếu Cung.
Bốn mươi chín người gồm có Chưởng môn chân nhân, năm Cung chủ; năm Phó cung chủ đồng cấp với Quán chủ, 33 Quán chủ và bốn Trưởng lão chân nhân là những người già nhất trong môn phái, đặc biệt còn có Huyền Huyền Tử là đệ tử giỏi của Chưởng môn chân nhân.
Năm năm trước khi xảy ra Cửu Long Đại Loạn, vào một buổi tối đầy mây đen u ám đã có việc xảy ra.
...